Điện mặt trời mái nhà ‘tự sản, tự tiêu’ chưa được hưởng ưu đãi
Điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ được hưởng ưu đãi thuế, phí, còn điện tái tạo “tự sản, tự tiêu” thì chưa, theo Bộ Công Thương.
Dự thảo Nghị định phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, quy định chính sách khuyến khích phát triển loại hình này để tự dùng, đấu nối với hệ thống điện quốc gia và không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Quy mô phát triển loại này đến 2030 khoảng 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà. Các hệ thống này sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế, phí. Các cơ quan Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển điện mặt trời mái nhà tại cơ quan, công sở.
Tuy nhiên, cơ chế khuyến khích sẽ không áp dụng với trường hợp điện mặt trời mái nhà không liên kết với hệ thống điện quốc gia hoặc “tự sản, tự tiêu” để bán cho tổ chức, cá nhân khác.
“Điện mặt trời tự sản, tự tiêu, điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp sẽ thực hiện theo cơ chế khác, như mua bán điện trực tiếp (DDPA)”, Bộ Công Thương cho hay.
Giải thích điều này, cơ quan quản lý năng lượng nêu khái niệm “tự sản, tự tiêu” hiện không được nêu tại các quy định pháp luật về điện lực. Tuy vậy, tại Quyết định 500 về quy hoạch điện 8 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 5, nêu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia, không đấu nối, liên kết với lưới điện quốc gia, thì công suất phát triển có thể không giới hạn.
Do nguồn điện tự sản tự tiêu chưa được coi là đối tượng phát triển theo Luật Điện lực, nên Bộ Công Thương đề xuất luật hóa khái niệm “tự sản tự tiêu” khi sửa Luật Điện lực tới đây.
Vì thế, cơ chế lần này chỉ khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, cơ quan công sở có liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ mua điện) đã được đấu nối, sẽ không phải thỏa thuận đấu nối với ngành điện.
“Phát triển điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ góp phần bảo đảm cung ứng điện, giúp giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính”, Bộ Công Thương nhận xét.
Cơ quan này cũng cho rằng đây là nguồn điện sạch, có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, tiêu thụ tại chỗ và thời gian phát chủ yếu vào ban ngày. Trong giờ cao điểm của hệ thống điện, hệ thống này tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, cơ quan công sở, vốn có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện thuận tiện trong việc đấu nối, giảm tổn thất truyền tải, phân phối điện.
Việt Nam hiện có khoảng 200 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trong 3 năm qua.
Trước đó tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đưa ra 3 mô hình phát triển nguồn điện này, gồm điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác; điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà xưởng và hệ thống điện tái tạo không liên kết lưới điện quốc gia. Bộ này khẳng định, chỉ khuyến khích điện mái nhà tự dùng tại công sở, nhà ở.